Lượt xem: 303

Sớm đề ra các biện pháp nhằm làm giảm sức tác động và ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn

Trước sức tác động gay gắt của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân tại các địa phương. Tỉnh Sóc Trăng đã có những chỉ đạo quyết liệt, cũng như liên tục theo dõi các diễn biến của tình hình để đề ra các biện pháp kịp thời, nhằm làm giảm sức tác động và ảnh hưởng.

    Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhận định, qua trao đổi với các địa phương thì hiện nay diễn biến của tình hình xâm nhập mặn rất là gay gắt. Có nơi độ mặn lên đến 7 - 8‰ và nước sông lại cạn kiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đời sống và sản xuất của người dân. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện sớm đề ra các biện pháp và hướng khắc phục gắn với thực tế từng địa phương.

Nông dân nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang bước vào những ngày thu hoạch. Ảnh Chanh Đa

    Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đến nay, tổng diện tích lúa xuống giống là trên 186.000 ha; đã thu hoạch hơn 62.000 ha với sản lượng thu hoạch đạt trên 383.000 tấn. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất lợi của tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, tình hình sản xuất và thu hoạch lúa của người dân trên địa bàn tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn.

    Tính đến cuối tháng 01-2020, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến 2.160 ha diện tích trồng lúa (tăng 761 ha so với trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), trong đó 2.034 ha bị ảnh hưởng dưới 30%, 111 ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70% và 15 ha bị ảnh hưởng trên 70%, tập trung chủ yếu tại các huyện: Kế Sách, Long Phú, Châu Thành và thành phố Sóc Trăng.

    Theo Chủ tịch UBND huyện Trần Đề - Lưu Hữu Danh thì trên địa bàn huyện Trần Đề hiện nay còn khoảng 1.000 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch và khả năng bị ảnh hưởng đến năng suất lúa bởi tình hình xâm nhập mặn khoảng 20-30% diện tích. Có thể khẳng định rằng, nguồn nước hiện nay tại các kênh rạch trên địa bàn huyện không còn ngọt để phục vụ cho tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp nữa.

    Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tuyến kênh ở huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên do mực nước trên sông cạn nên các ghe có trọng tải lớn không thể vào tận ruộng để thu mua lúa mà chỉ có các loại ghe có trọng tải nhỏ khoảng 5-10 tấn mới có thể vào thu mua lúa của người dân. Hệ quả là giá lúa bị thương lái mua giảm xuống do phải tốn tiền thuê nhân công vác lúa qua các cống ngăn mặn, cũng như là chuyển lúa từ ghe nhỏ qua ghe lớn, với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.

    Cũng do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, nên nhiều nông dân phải chấp nhận thương lái mua lúa thấp hơn so với giá lúa đã được “đặt cọc” trước ngày thu hoạch. Nếu không chấp nhận, chi phí để nông dân thuê mướn còn cao gấp nhiều lần so với việc chịu giảm giá lúa. Anh Lý Phol ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên cho biết, lúa giá thấp, máy gặt thì ít nên phải đợi cả mấy ngày mới tới lượt thu hoạch, vì thế mà lúa bị khô và nhẹ cân, lợi nhuận giảm đi rất nhiều.

Nhiều tuyến kênh rạch ở huyện Trần Để đã trơ cạn đáy khiến việc thu mua lúa của ghe gặp nhiều khó khăn. Ảnh Chanh Đa

    Trước những diễn biến bất lợi của nắng nóng kết hợp với mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, nhiều cống của tỉnh Sóc Trăng như cống Cái Oanh, cống Bà Xẩm (huyện Long Phú), cống Cái Xe (huyện Trần Đề)... đã đóng cống để ngăn mặn nhưng tình hình vẫn không khả quan. Cống đóng thì nước trên các tuyến kênh rạch cạn khô, không có nước để bơm lên ruộng lúa. Mở cống thì nước quá mặn, cũng không thể đưa vào, thậm chí càng làm cho tình hình xâm nhập mặn tiến sâu hơn.

    Để hạn chế những tác động kép này, ngành Nông nghiệp và UBND các huyện đã tập trung triển khai các giải pháp phòng chống khô hạn và xâm nhập mặn; trong đó vận động nông dân sản xuất theo lịch thời vụ khuyến cáo, tuyệt đối không sản xuất vụ 3; vận hành tốt các cống, tích cực ngăn mặn, trữ ngọt.

    Đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp cho biết thêm, dù ngành chức năng đã có những khuyến cáo về những ảnh hưởng của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, nhưng thực tế ở nhiều địa phương, người dân vẫn xuống giống vụ 3. Trước thực tế này, chính quyền tại các địa phương cần tính đến phương án hỗ trợ để đảm bảo nước sạch và nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt cho người dân, để họ bớt khó khăn trước tình hình nước bị khô hạn và xâm nhập mặn như hiện nay.
Chanh Đa


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 82
  • Hôm nay: 64
  • Trong tuần: 70,491
  • Tất cả: 11,802,498